Công dụng của rau trai theo Đông Y có thể hỗ trợ điều trị bỏng, ghẻ lở, sưng tấy. Rễ cây có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu. Rau trai có thể dùng tươi hoặc khô để điều trị cảm cúm, viêm họng, viêm amidan cấp, nhiễm khuẩn đường hô hấp nhiễm trùng đường tiết niệu, phù thũng,…
Mục Lục
- 1 Rau trai là gì?
- 2 Tác dụng của rau trai
- 3 Các bài thuốc thường dùng từ rau trai
- 3.1 Chữa viêm amidan, viêm họng
- 3.2 Điều trị phù thũng, tiểu ít, viêm cầu thận cấp
- 3.3 Điều trị viêm khớp, phong thấp, phù tim
- 3.4 Hỗ trợ chữa tăng huyết áp
- 3.5 Điều trị kiết lỵ
- 3.6 Hỗ trợ điều trị phong thấp
- 3.7 Điều trị bí tiểu
- 3.8 Thổ huyết
- 3.9 Quai bị
- 3.10 Trị mụn nhọt sưng đau (chưa vỡ mủ)
- 3.11 Điều trị tiểu đường (giai đoạn đầu)
Rau trai là gì?
Rau trai có tên tiếng Việt là thài lài trắng, và còn rất nhiều tên gọi khác như trai thường, thài lài, cỏ lài trắng, rau trai trắng, cỏ chân vịt, đạm trúc diệp, chích thảo, nhi hoán thảo, trúc diệp thái,… Tên khoa học của rau trai là Commelina communis L.
Đặc điểm
- Thuộc cây thân thảo, cao 30 – 60cm hoặc hơn. Thân nhẵn, gần như không có lông, mọc bò, bén rễ ở các mấu.
- Lá mọc so le thành 2 hàng, có chóp nhọn, dáng thon, hình mác rộng, dài 2 – 6cm, rộng 1 – 2 cm. Gốc có bẹ to, đầu thuôn nhọn, có rìa lông ôm lấy thân.
- Cụm hoa là một lá bắc rộng như mo, chứa 3 – 5 hoa nhỏ, màu lam, dài 3 răng, xếp thành xim có cuống, tràng 3 cánh, nhị 4 – 6, không bằng nhau.
- Quả nang chứa 5 hạt đen nhỏ, vỏ có vân mạng
- Mùa ra hoa và quả: Tháng 5 – tháng 11
Nguồn gốc và phân bổ
- Theo Isa Ipor, 2001, trên thế giới có khoảng 150 loài thuộc chi Commelina L. nhưng cũng có ý kiến cho rằng chỉ có khoảng 100 loài. Ở Việt Nam đã xác định được 8 loại, trong đó có thài lài trắng. Với biên độ sinh thái rộng, cây có thể tồn tại được trong giới hạn lớn về nhiệt độ, dưới 10 độ C vào mùa đông ở vùng cận nhiệt đới (Trung Quốc) và từ 38 – 39 độ ở vùng nhiệt đới.
- Hàng năm, cây ra quả nhiều. Sau khi cắt, phần còn lại vẫn có khả năng tái sinh mạnh mẽ.
Thành phần hóa học
Thài lài trắng có 59,75% chất không có nitơ, 7,8% nitơ, 20,15% cellulose, 0,90% chất béo, 12,8% tro. Hoa Thài lài trắng có chứa awobanol và acid p. coumaric, chất màu của hoa chứa chủ yếu là delphinin diglucosid.
Với những thành phần trên, rau trai được ứng dụng trong cả Y học cổ truyền và Y học hiện đại.
Tác dụng của rau trai
Một số công dụng của rau trai:
Công dụng rau trai trong y học cổ truyền
Theo Đông y, cây thài lài trắng có tính hàn, vị ngọt, quy kinh Tâm, Can, Tỳ, thận, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thủy, tiêu thũng.
Thài lài trắng còn được dùng để giải khát, chữa cảm cúm, lợi tiểu, giải độc, lỵ, các bệnh về tim. Bên cạnh đó, thài lài tươi còn được dùng để trị viêm mủ da, giải độc do bọ cạp đốt, rắn, rết cắn, áp xe, các khớp sưng đau bằng cách giã nát cây tươi và đắp lên.
Tác dụng của cây rau trai trong y học hiện đại
Trong y học hiện đại, Thài lài trắng được biết đến với nhiều công dụng trong điều trị bệnh như sau:
- Tác dụng trên glucose huyết và α – glucosidase: Cao methanol của rau trai có khả năng ức chế mạnh enzym α – glucosidase, là loại enzyme có chức năng hấp thu glucose ở ruột. Do vậy, việc ức chế α – glucosidase có thể chống tăng đường huyết.
- Tác dụng chống ho và kháng khuẩn: Người ta chiết phần trên mặt đất của cây rau trai và nhận thấy D – mannitol có tác dụng giảm ho và acid p – hydroxycinnamic có tác dụng kháng khuẩn.
- Tác dụng trên tế bào ung thư: Khi chiết toàn cây rau trai bằng benzen được cao chiết có khả năng gây độc tế bào trên các tế bào bạch cầu bị ung thư Leuk L1210 và Leuk HL60.
Từ cây thài lài trắng, ta có rất nhiều các bài thuốc chữa bệnh vô cùng hiệu quả.
Các bài thuốc thường dùng từ rau trai
Một số bài thuốc được dùng từ rau trai:
Chữa viêm amidan, viêm họng
- Bài thuốc số 1: Cây tươi 90 – 120g, giã nát, vắt lấy nước uống.
- Bài thuốc số 2: Thài lài trắng 30g phơi khô sắc nước uống.
- Bài thuốc số 3: Thài lài trắng 30g, dâu tằm 30g, bồ công anh 30g, sắc nước uống.
Điều trị phù thũng, tiểu ít, viêm cầu thận cấp
Thài lài trắng 30g, mã đề 30g, cỏ xước 30g, đem sắc nước uống, mỗi ngày 1 thang đến khi khỏi.
Điều trị viêm khớp, phong thấp, phù tim
Thài lài trắng 40g và đậu đỏ 40g. Nấu lên ăn cả cái và nước.
Hỗ trợ chữa tăng huyết áp
Thài lài trắng tươi 60 – 90g, hoa cây đậu tằm 12g, đem rửa sạch, sắc với 800ml nước cho còn 300ml, uống trong ngày. Liệu trình trong 10 – 15 ngày.
Điều trị kiết lỵ
Thài lài trắng tươi 30g (hoặc khô 10g), đem rửa sạch, sắc với 700ml nước cho còn 150ml nước, uống 2 – 3 lần 1 ngày, liên tục 5 ngày.
Hỗ trợ điều trị phong thấp
Thài lài trắng 40g, rửa sạch, thái nhỏ cùng với đậu đỏ 40g. Đổ 800ml nước ninh đậu đỏ cho nhừ, sau đó cho Thài lài trắng vào đun lửa nhỏ trong 10 phút, thêm chút đường, ăn cả cái và nước. Điều trị trong 5 – 10 ngày.
Điều trị bí tiểu
Thài lài trắng tươi, mã đề tươi, mỗi vị 30g, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, rồi thêm chút mật ong, uống lúc đói bụng. Dùng liên tục trong 5 ngày.
Thổ huyết
Thài lài trắng tươi 60 – 90g, giã nát, vắt lấy nước uống.
Quai bị
Thài lài trắng tươi 60g, sắc lên uống trong ngày. Theo quan sát lâm sàng, trung bình sau 1 – 2 ngày hết nôn; 1 – 4 ngày khỏi đau đầu; 2 – 6 ngày hết sốt và sưng; 4 – 6 ngày có thể khỏi.
Trị mụn nhọt sưng đau (chưa vỡ mủ)
1 nắm Thài lài trắng tươi rửa sạch, giã nát, thêm chút rượu nóng, trộn đều rồi đắp vào chỗ đau. Băng cố định trong 2 giờ, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.
Điều trị tiểu đường (giai đoạn đầu)
30 – 60g rau trai (tùy theo cân nặng người uống: 50kg trở xuống thì dùng 30g, trên 50kg thì dùng tối đa 60g) và một trái dừa xiêm xanh (khoảng 500 – 600ml nước).
Rửa rau trai với nước sạch (có thể ngâm với một ít muối để loại bỏ vi khuẩn), cắt nhỏ ra. Cho nước dừa xiêm vào nồi rồi cho rau trai vào, nấu sôi, sắc cạn còn 2 chén thì xong. Uống trước hoặc sau bữa ăn. 2 chén cách nhau 4 tiếng, uống liên tục trong 1 tháng kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh.
Công dụng của rau trai đối với điều trị bệnh được biết đến từ xa xưa trong các các bài thuốc dân gian. Tuy nhiên, một số cách chữa bệnh vẫn chưa được chứng minh về độ an toàn và tính hiệu quả, nên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Đặc biệt không nên sử dụng hoặc thận trọng với những đối tượng như phụ nữ có thai, người có tỳ vị hư hàn do tính hàn của cây thài lài trắng.
Bài viết liên quan
Hướng dẫn các cách bảo quản giá đỗ không bị thâm đơn giản
Th12
Chia sẻ cách làm nộm rau má đơn giản ngay tại nhà
Th12
Cách làm sinh tố rau má thơm ngon dinh dưỡng cho cả nhà
Th12